Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở người cao tuổi có tăng huyết áp và đề xuất một số giải pháp chủ động, thuận lợi trong điều trị rối loạn lipid máu ở nhóm bệnh này

  • Đề tài: Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở người cao tuổi có tăng huyết áp và đề xuất một số giải pháp chủ động, thuận lợi trong điều trị rối loạn lipid máu ở nhóm bệnh này

    BS.CKII  Nguyễn Thị Hồng Thủy - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên

    ĐẶT VẤN ĐỀ:

               Nhiều nước trong khu vực châu Á đang phải đối mặt với thách thức về số lượng người cao tuổi ngày càng gia tăng. Tăng huyết áp( THA) ở người cao tuổi thường gây các biến chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao như: đột qụy, hội chứng vành cấp và các biến chứng mạch máu [3], [8]. Rối loạn lipid máu (RLLPM) là một trong những nguyên nhân bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Nhiều nghiên cứu lớn đã chứng minh rằng giải quyết được RLLPM  sẽ hạn chế các biến cố tim mạch [11].

               Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu cholesterol toàn phần giảm được 23mg% ở người tuổi 40 sẽ giảm 54% nguy cơ bệnh tim mạch còn ở tuổi 70 thì giảm 20% nguy cơ bệnh tim mạch. Còn nếu HDL-C tăng 1,2 mg% thì giảm được 3% nguy cơ bệnh tim mạch [10].

               Xuất phát từ những lý do trên, để tìm hiểu mối liên quan giữa các thành phần của bilan lipid với tuổi và tăng huyết áp, góp phần tiên lượng cũng như dự hậu các biến cố tim mạch, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu rối loạn lipid máu ở người cao tuổi có tăng huyết áp và đề xuất một số giải pháp chủ động, thuận lợi trong điều trị rối loạn lipid máu ở nhóm bệnh này” với  mục tiêu: xác định tỷ lệ, đặc điểm rối loạn lipid máu ở người cao tuổi tăng huyết áp và tìm hiểu mối liên quan giữa các thành phần lipid máu với tuổi, BMI, vòng bụng, mức độ gan nhiễm mỡ, độ tăng huyết áp và các biến cố tim mạch từ đó đề xuất một số hướng chủ động thuận lợi trong điều trị rối loạn lipid ở người cao tuổi có tăng huyết áp

    ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

               Đối tượng nghiên cứu: là 350 người từ 60 tuổi trở lên có tăng huyết áp đến khám tại Phòng khám Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên từ tháng 04/2012 đến tháng 07/2013. Tất cả được làm xét nghiệm bilan lipid máu và khảo sát các yếu tố nguy cơ từ đó chọn ra những bệnh nhân có RLLPM, theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Tim mạch Việt Nam năm 2008 và NCEP- ATPIII năm 2001.

               Tiêu chuẩn chẩn đoán và phân loại tăng huyết áp: theo Hội Tim mạch Việt Nam năm 2008

         Bảng 1.Phân loại HA

    Phân loại

    HATT (mmHg)

    HATTr (mmHg)

    Tối ưu

    Bình thường

    Bình thường cao

    THA độ 1 ( nhẹ )

    THA độ 2 ( trung bình )

    THA độ 3 ( nặng )

    < 120

    < 130

    130 – 139

    140 – 159

    160 – 179

    ≥ 180

    < 80

    < 85

    85 – 89

    90 – 99

    100 – 109

    ≥ 110

                 Khi HATT và HATTr không cùng phân loại thì chọn phân loại cao nhất dựa theo HATT hoặc HATTr. THA tâm thu đơn độc khi HATT ≥ 140 mmHg và HATTr < 90 mmHg. THA tâm trương đơn độc khi HATT < 140 mmHg và HATTr ≥ 90 mmHg [9].

                 Đánh giá các yếu tố nguy cơ: bao gồm xác định BMV hoặc các bệnh lý tương đương bệnh mạch vành (BMV) như: đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh động mạch ngoại biên, tai biến mạch máu não (TBMMN). Xác định các nguy cơ tim mạch khác như: hút thuốc lá, béo phì, HDL-c thấp (<40 mg%), tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành sớm (nam < 55 tuổi, nữ < 65 tuổi).

                Đánh giá tình trạng béo phì: dựa vào đo vòng bụng ở nam ≥ 90cm, ở nữ ≥ 80cm là chẩn đoán béo bụng (béo phì trung tâm) và dựa vào chỉ số BMI đối với người châu Á nếu từ 23-24,9 kg/m2 là thừa cân và ≥25 kg/m2 là béo phì [13]

                Định lượng bilan lipid máu: được lấy máu vào buổi sáng, khi chưa ăn sáng và cách bữa ăn tối hôm trước 12 giờ cho tất cả đối tượng nghiên cứu. Định lượng bilan lipid gồm: Cholesterol toàn phần (CT), Triglyceride (TG), HDL-c và LDL-c và phân tích kết quả trên máy sinh hoá tự động hiệu HITACHI 917.

                Bảng 2. Đánh giá mức độ RLLPM theo NCEP- ATPIII (5/2001) [13].

    Chỉ số

    Phân loại

    CT

    < 200mg/dl (< 5,2 mmol/l)

    Tốt

    200- 239 mg/dl (5,2 -6,2 mmol/l)

    Cao giới hạn

    ≥ 240 mg/dl (≥ 6,2 mmol/l)

    Cao

    HDL-C

    < 40 mg/dl (< 1 mmol/l)

    Thấp

    > 60 mg/dl (> 1,6 mmol/l)

    Cao

    LDL-C

    < 100mg/dl  (< 2,6 mmol/l)

    Tối ưu

    100 - 129 mg/dl (2,6- 3,4 mmol/l)

    Gần tối ưu

    130- 159 mg/dl (3,4- 4,2 mmol/l)

    Cao giới hạn

    160- 189 mg/dl ( 4,2- 5 mmol/l)

    Cao

    ≥ 190 mg/ dl  ( ≥ 5 mmol/l)

    Rất cao

    TG

    < 150 mg/dl (< 1,7 mmol/l)

    Bình thường

    150 - 199 mg/dl (1,7 - 2,3 mmol/l)

    Cao giới hạn

    200 - 499 mg/dl (2,3 - 5,7 mmol/l)

    Cao

    ≥ 500 mg/dl (≥ 5,7 mmol/l)

    Rất cao

     

               Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (ĐTĐ): Theo tiêu chuẩn của ADA năm 2013 [12]

               Hút thuốc lá: được tính theo đơn vị gói/năm [13].

               Tiêu chuẩn chẩn đoán gan nhiễm mỡ : Dựa trên siêu âm có 3 mức độ:

                     + Độ 1: tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa nhu mô, mức hút âm nhỏ, xác định được cơ hoành và bờ đường tĩnh mạch trong gan.

                     + Độ 2: Lan tỏa độ hồi âm gia tăng và độ hút âm nên khả năng nhìn thấy bờ các tĩnh mạch trong gan và cơ hoành giảm.

                     + Độ 3: gia tăng độ hồi âm, tăng độ hút âm, không thấy rõ bờ đường tĩnh mạch gan và cơ hoành [7].

               Bảng 3. Khuyến cáo điều trị RLLP máu của Hội Tim mạch Việt nam 2008[9]

    Loại nguy cơ

    Mục tiêu

    LDL-c (mg%)

    Mức LDL-c thay đổi lối sống (mg%)

    Mức LDL-c cần dùng thuốc (mg%)

    Mục tiêu cho không HDL-c (mg%)

    Nguy cơ cao: Bệnh mạch vành hoặc tương đương bệnh ĐM vành

    <100

    (<2,6 mmol/L).

    Tối ưu là <70

    (<1,8 mmol/L)

    ≥ 70

    (≥1,8 mmol/L)

    ≥ 100

    (≥2,6 mmol/L)

    < 130

    (<3,4mmol/L)

    Nguy cơ cao-trung bình:

     ≥ 2 YTNC + nguy cơ 10 năm từ 10 – 20%.

    <130

    (<2,6mmol/L)

    ≥ 100

    (≥2,6 mmol/L)

    ≥ 130

    (≥3,4 mmol/L)

    < 160

    (<4,1mmol/L)

    Nguy cơ trung bình

    ≥ 2 YTNC

    + nguy cơ 10 năm < 10%.

    <130

    (<3,4 mmol/L)

    ≥ 130

    (≥3,4 mmol/L)

    ≥ 160

    (≥4,1 mmol/L)

    < 160

    (<4,1mmol/L)

    Nguy cơ thấp:

                  0 – 1 YTNC

    <160

    (<4,1 mmol/L)

    ≥ 160

    (≥4,1 mmol/L)

    ≥ 190

    (≥4,9 mmol/L)

    < 190

    (<4,9mmol/L)

    Khuyến cáo điều trị Rối loạn lipid máu mới của ACC/AHA năm 2013[10].

               Lựa chọn 4 nhóm đối tượng được có chỉ định điều trị bắt buộc bằng thuốc statin, đó là

                       +  Bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa trên lâm sàng;

                       +  Bệnh nhân có LDL-c >190 mg/dL;

                       +  Bệnh nhân có trong nhóm tuổi từ 40-75 và có ĐTĐ;

                       +  Dự báo nguy cơ bệnh tim mạch trong 10 năm ≥ 7,5%.

    KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

            Qua nghiên cứu 350 người cao tuổi tăng huyết áp, chúng tôi thu được kết quả sau:

            Ở các nhóm tuổi tỷ lệ nữ đều cao hơn nam giới trong đó nhóm tuổi 60-69 cao nhất chiếm 60,3% có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, p < 0,0001.

            -Tỷ lệ rối loạn lipid máu chiếm 77,4% trong đó nữ cao hơn nam (51,4% so với 26,9%), p<0,005. Tăng CT chiếm 53,4%, TG chiếm 33,1%, LDL-c chiếm 39,4%, HDL-c giảm chiếm 4,9%.

            -Các yếu tố nguy cơ: ĐTĐ chiếm 38,29%, béo phì chiếm 71,71%, hút thuốc lá 14%, có sự khác biệt giữa hai giới có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

            -Tỷ lệ THA độ I là 29,4%, THA độ II là 36,9% và THA độ III là 3,4%.

            -RLLPM chiếm tỷ lệ cao ở cả THA độ I, độ II và độ III. Ngoài ra LDL-c và HDL-c có tỷ lệ tương đương ở cả 3 mức độ THA.

            Tỷ lệ gan nhiễm mỡ khá cao 56,28%, tỷ lệ gan nhiễm mỡ có liên quan đến rối loạn lipid máu chiếm 63,84%,  tỷ lệ gan nhiễm mỡ không có rối loạn lipid chiếm 30,38%.

             Nghiên cứu của chúng tôi  có sự tương quan mức độ vừa giữa CT toàn phần với BMI, VB và độ THA. Có sự tương quan mức độ vừa giữa TG với tuổi, BMI, VB, độ THA, Đái tháo đường. Có sự tương quan mức độ vừa giữa LDL-c với BMI và độ THA, p<0,001. Không có sự tương quan giữa HDL-c với các yếu tố nguy cơ tim mạch và gan nhiễm mỡ, p>0,05.

             Vì nghiên cứu ở người cao tuổi nên tuổi mắc bệnh ở nam ≥45, nữ ≥55 chiếm 100%. Tỷ lệ THA , ĐTĐ, tăng LDL-c và bệnh mạch vành (BMV) chiếm tỷ lệ cao trong đó BMV đang tiến triển, hút thuốc lá và giảm HDL-c có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với         p< 0,005.

    Có rất nhiều phương pháp điều trị rối loạn lipid máu, trong đó hướng điều trị chủ động và thuận lợi, hiệu quả nhất chúng tôi đề xuất như sau:

    Điều trị bằng thay đổi lối sống: Các biện pháp điều trị RLLIPM thì thay đổi lối sống là biện pháp cơ bản trong điều trị rối loạn lipid máu. Cần thực hiện thay đổi lối sống một cách thích hợp cho người cao tuổi. Thay đổi lối sống một cách tích cực có thể phòng ngừa sự tiến triển hoặc thậm chí có thể làm thoái triển bệnh xơ vữa động mạch.

    Thay đổi lối sống: bao gồm: bỏ hút thuốc là biện pháp mạnh mẽ nhất để đề phòng các bệnh tim mạch. Những người bỏ hút thuốc trước tuổi trung niên có tuổi thọ không khác với những người cả đời không hút thuốc. Uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, đột quỵ do làm tăng lượng triglycerid trong máu và tăng huyết áp. Không nên uống quá 20-30g ethanol/ngày đối với nam giới và 10-20g ethanol/ngày với nữ giới. Uống rượu với lượng vừa phải (đặc biệt là rượu vang đỏ) có tác dụng bảo vệ tim do làm tăng HDL-C và tác dụng chống oxy hóa.

     Chế độ ăn: giảm chất béo bão hòa chủ yếu có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều các chất béo có nguồn gốc từ thực vật, ăn nhiều chất xơ, nhiều rau tươi, nhiều cá, ăn dầu ôliu, ăn ít thịt và muối,. Dầu cá có chứa acid béo ômêga-3 làm giảm tỷ lệ bị đột tử, làm tăng tuổi thọ và có tác dụng bảo vệ đặc biệt giai đoạn sau nhồi máu cơ tim, áp dụng thay đổi lối sống 2-3 tháng, nếu không đem lại hiệu quả mong đợi hoặc kết hợp các yếu tố nguy cơ cao như bệnh mạch vành và bệnh lý tương đương bệnh mạch vành thì phối hợp thuốc hạ lipid máu ngay từ đầu.

    Giảm cân sẽ giảm được rối loạn lipid máu trên bệnh nhân thừa cân và có lợi đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp... Giảm cân bằng cách ăn kiêng, tăng cường tập thể dục, giảm lượng rượu hàng ngày ở những người nghiện rượu, thừa cân và giảm ăn muối.

    Thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ, hoặc bơi lội trong 30-45 phút, 3-4 lần mỗi tuần. Mức độ tập luyện phải tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Hiệu quả có lợi của vận động thể lực đều đặn là cải thiện được các yếu tố nguy cơ tim mạch như giảm huyết áp, giảm lipid máu sẽ giảm được xơ vữa, tập thể dục sẽ cải thiện được tính nhạy cảm insulin ở ngoại biên.Tuy nhiên không nên hoạt động thể lực quá mức ở một số bệnh: suy mạch vành, tăng huyết áp nặng, bệnh động mạch ngoại biên, biến chứng mắt hoặc thận.

    Điều trị bằng thuốc hạ lipid máu: Có rất nhiều nhóm thuốc điều trị hạ lipid máu trong đó statin là thuốc được lựa chọn đầu tiên bởi tính năng an toàn và đa tác dụng của chúng. Điều trị rối loạn lipid máu sẽ tránh được các biến chứng tim mạch nguy hiểm: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, tránh được các biến chứng khác do bệnh vữa xơ động mạch gây ra: tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại biên. Tăng tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống, giảm chi phí điều trị vì khi xảy ra tai biến thì việc chữa trị các tai biến này sẽ tốn kém hơn rất nhiều cho gia đình và cho xã hội.

    Áp dụng điều trị cụ thể: Theo khuyến cáo của Hội tim mạch Việt Nam 2008 và khuyến cáo Trường môn tim mạch Hoa Kỳ/ Hiệp hội tim mạch Hoa  Kỳ năm 2013.

    KIẾN NGHỊ:

               Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy tỷ lệ rối loạn lipid máu của người cao tuổi ở Tỉnh Phú Yên rất cao, do đó cần có một chiến lược tầm soát rối loạn lipid để phát hiện và điều trị kịp thời rối loạn lipid máu góp phần làm giảm những biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên…..và giảm hậu quả bệnh lý khác như: gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan, viêm tụy cấp….

               Các phương tiện chẩn đoán và theo dõi rối loạn lipid máu hầu hết đã thực hiện được các cơ sở Y tế trong tỉnh Phú Yên. Hơn nữa, Công ty dược phẩm PymePharco sản xuất được thuốc statin do đó việc điều trị rối loạn lipid sẽ rất thuận lợi và đạt được hiệu quả cao.

               Qua nhiều công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước cho thấy statin là thuốc điều trị an toàn, ít tác dụng phụ, ích lợi mà nó đem lại là vô cùng to lớn, góp phần không chỉ điều trị rối loạn lipid máu một cách hiệu quả mà còn có tác dụng đa hướng góp phần cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch và ngăn ngừa các biến cố tim mạch.

               Tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ tồn dư rối loạn lipid máu sau điều trị statin trong các nghiên cứu do vậy cần tiếp tục điều trị bằng thay đổi lối sống và dùng thuốc Fenofibrat để tối ưu hóa mục tiêu điều trị.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1.Đào Thị Dừa (2010), “Nghiên cứu tình trạng gan nhiễm mỡ ở bệnh nhân thừa cân và béo phì”, Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 452 – 456.

    2.Nguyễn Đào Dũng (2004), “Khảo sát rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát, Tạp chí tim mạch học, (37), tr. 39-47.

    3.  Nguyễn Đức Hoàng (2004), “Nghiên cứu tỷ lệ tăng huyết áp ở người cao tuổi tại xã Hương xuân, huyện Hương trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Tim mạch học, (37), tr.26-.

    4.Trần Thúy Liễu và cộng sự (2010), “Nghiên cứu thực trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội”, Tạp chí Y học thực hành, 739(10), tr.44-46.

    5.Trần Thị Mỹ Loan và cs (2009), “Tương quan giữa chỉ số khối cơ thể và Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tăng huyết áp”, Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 13(1), tr. 61-66.

    6.Cao Lý Vĩnh Quý, Nguyễn Diên Ngôn, Lê Thị Bích Thuận (2010), “Nghiên cứu tình hình bệnh tăng huyết áp ở người ≥60 tuổi tại Tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nội khoa, (2), tr.260-270.

    7. Nguyễn Phước Bảo Quân (2012 và 2006), “Siêu âm Doppler động mạch”, Bài giảng siêu âm Doppler mạch máu, Nhà xuất bản Đại học Huế,  tr.171-678. ) và “Bài giảng siêu âm tổng quát”, Nhà xuất bản Đại học Huế,  tr.144-150.

    8. Phạm Hữu Tài, Lê Thị Bích Thuận (2009), “Nghiên cứu bilan lipid máu ở người cao tuổi bị hội chứng động mạch vành cấp”, Y học thực hành, (658+659), tr. 357-364.

    9. Khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt nam về chẩn đoán, điều trị,dự phòng tăng huyết áp ở người lớn (2008), Khuyến cáo về các bệnh lý tim mạch và chuyển hoá giai đoạn 2006-2010, NXB Y học, tr.1-51.

    10 ACC/AHA (2013), Guideline on the Treatment of Blood Cholesterol to Reduce Atherosclerotic Cardiovascular Risk in Adults. Circulation, pp.1-84.

    11. ACC/AHA (2013), Guideline on the Lifestyle Management to Reduce Cardiovascular Risk. Circulation,pp.1-45.

    12. Madhan S, Rough SJ, Alpert JS et al (2010), “Dyslipidemia in the Elderly: Should it Be Treated?”, J Clin Cardiol, 33: pp.4-9.

    13. Expert Panel on The Detection (2001), “Executive Summary of the third Report of the National Cholesterol Education program (NCEP) Expert panel on Detection, Evaluation,and Treament of High Blood Cholesterol in Adults  (Adult Treatment Panel III)”, JAMA 285: pp. 2486-2497.

     

Tin bài liên quan