Giới Thiệu Chung

  • BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHÚ YÊN:

    Bệnh viện đa khoa Phú Yên hiện là Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Phú Yên, được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là Bệnh viện hạng I với quy mô 800 giường, thực kê 960 giường theo Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 07/02/2024. Bệnh viện hiện có 06 phòng chức năng và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cán bộ, 19 khoa lâm sàng 07 khoa cận lâm sàng.

    Trải qua chặng đường 35 năm hình thành và phát triển, vượt lên biết bao khó khăn thử thách, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã có những đóng góp to lớn trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

    35 năm qua, các thế hệ thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên luôn yêu nghề, không ngừng nỗ lực, đặt chất lượng - an toàn - hài lòng người bệnh là trọng tâm. Bệnh viện đa khoa Phú Yên hiện là

              Từ buổi đầu nhiều thử thách     

    Ngày 1/4/1975, Phú Yên được giải phóng. Tại TX Tuy Hòa, Ban Quân - Dân y của cách mạng tiếp quản bệnh viện dã chiến của chế độ cũ chưa xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng. Các thầy thuốc cách mạng đầu tiên gắn bó với bệnh viện cũng chính là những người đã kiên cường bám trụ tại các “trận địa” y tế gian khổ ở Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

              Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Măng Cư, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, nhớ lại: “Giữa tháng 5/1975, tôi về bệnh viện này. Lúc đó, bệnh viện chỉ có vài bác sĩ - những người tham gia kháng chiến về tiếp quản; y tá chủ thì yếu là lưu dụng (người làm việc tại bệnh viện dưới chế độ cũ, được giữ lại để tiếp tục làm việc). Tôi lúc thì ở phòng khám, khi thì bên nội khoa; có khi đang khám thì đi mổ, mổ xong lại chạy qua phòng khám. Hồi ấy bệnh viện đơn sơ lắm. Chúng tôi chạy như đèn cù nhưng hồi ấy ai cũng còn trẻ, quê hương mới giải phóng, khí thế cứ hừng hực, vui lắm nên không biết mệt”.

              Từ năm 1976-1989, cơ sở y tế này là một bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc của tỉnh Phú Khánh với quy mô 300 giường bệnh. Ngày 1/7/1989, Phú Yên tái lập tỉnh; bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, cơ sở đặt tại địa chỉ 270 Trần Hưng Đạo, phường 6, TX Tuy Hòa.

    Thầy thuốc Ưu tú - BSCKI Huỳnh Ngọc Ấn, Chủ tịch Hội Y học tỉnh Phú Yên, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế kể: “Tôi làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên từ năm 1996 đến 2003, sau đó được điều động về Sở Y tế. Thời kỳ đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện luôn tập trung vào các chỉ tiêu chuyên môn và nâng cao tinh thần thái độ phục người bệnh. Lực lượng bác sĩ lâm sàng, cận lâm sàng cũng vững vàng. Các hoạt động khoa học tương đối sôi nổi. Hàng năm, bệnh viện tổ chức từ 1-2 hội thảo khoa học. Phong trào thi đua lúc đó khá sôi nổi; tinh thần đoàn kết tốt”. 

    Những bước tiến trên chặng đường dài

    Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có sự thay đổi liên tục từ ngày được thành lập (15/7/1989) đến nay, ban đầu chỉ 350 giường bệnh, năm 1993 tăng lên 400 giường, năm 1996 tăng lên 450 giường, năm 2007 tăng lên 500 giường. Năm 2010, Bệnh viện Đa khoa có cơ sở mới, tại địa chỉ 15 Nguyễn Hữu Thọ (phường 9, TP Tuy Hòa), với công suất thiết kế ban đầu 500 giường. Năm 2019, chỉ tiêu giường bệnh tăng lên 800 giường, giường thực kê là 960 giường nhưng vẫn chưa đủ để chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh nhà. Bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân nằm viện thường xuyên vượt trên con số 1.000.

              Trước năm 1997, Bệnh viện được xếp hạng tương đương như bệnh viện hạng III. Từ năm 1997, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh được xếp hạng II. Cứ 5 năm, bệnh viện được đánh giá xếp hạng lại. Là bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có đội ngũ cán bộ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn sâu, trang thiết bị thích hợp đủ khả năng hỗ trợ bệnh viện hạng III.

    Trong năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khám ngoại trú hơn 136.000 lượt, điều trị hơn 49.400 bệnh nhân nội trú; tỉ lệ điều trị khỏi đạt 95,5%. Bệnh viện đã thực hiện hơn 9.800 ca phẫu thuật, đạt 105,5% chỉ tiêu; trong đó có 90 ca phẫu thuật sọ não, hơn 2.000 ca phẫu thuật nội soi các loại, hơn 293.000 thủ thuật... Có 99 ca nhồi máu não được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết; nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đã được cứu sống bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da. Các thầy thuốc nơi đây cũng đã tiến hành thay khớp gối, thay khớp háng cho 33 bệnh nhân, thực hiện thành công những ca phẫu thuật phức tạp, như phẫu thuật trồng nối lại chi thể bị đứt lìa; thực hiện 30 ca tán sỏi thận qua da, 2 ca nội soi tán sỏi bằng ống mềm. Bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật cao ngay tại địa phương, không phải đi xa như trước. Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai một số kỹ thuật mới.

    Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên..., xây dựng đội ngũ thầy thuốc tận tâm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã trang bị thêm các thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị ngày càng cao của người dân.

    Trong nghiên cứu khoa học về y học, bệnh viện tập trung nghiên cứu các đề tài ứng dụng phù hợp với tình hình đơn vị. Trung bình mỗi năm, bệnh viện có từ 25-30 đề tài cấp cơ sở và phối hợp với các trường đại học, bệnh viện, hiệp hội trong cả nước tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học. Bệnh viện còn là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế ở bậc đại học và trung học; tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên môn.

    Một dấu ấn của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên là có những đóng góp xuất sắc vào Chương trình Đối tác Thái Bình Dương (PP). Bệnh viện là nơi diễn ra nhiều hoạt động trao đổi chuyên môn y tế của PP19, PP22 và PP23. Cả ba lần đều để lại nhiều dấu ấn và góp phần xây dựng hình ảnh tỉnh nhà tươi đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

              Ngày 7/2/2024, UBND tỉnh Phú Yên công nhận Bệnh viện Đa khoa Phú Yên xếp hạng I. Đây là bước ngoặc của đơn vị sau hành trình dài nỗ lực không ngừng.

              Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Trần Anh Dũng, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Với sự đồng sức đồng lòng, phát huy sức mạnh đoàn kết, tập thể Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp tục củng cố và từng bước nâng cao chất lượng khám chữa  bệnh, chăm sóc bệnh nhân; xây dựng đội ngũ chuyên môn, nắm vững quản trị bệnh viện và kinh tế y tế; phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như nội soi can thiệp, can thiệp mạch não, chấn thương chỉnh hình, nhịp học, phẫu thuật thần kinh - cột sống, hồi sức tích cực... và các kỹ thuật cao trên lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… Đồng thời, bệnh viện hoàn thiện hệ thống CNTT, chuyển đổi số. Mục tiêu cuối cùng là chăm sóc tốt hơn sức khỏe người bệnh”.

     

Tin bài liên quan