Phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở dân văn phòng

  • Ngồi làm việc lâu bên máy tính, cúi nhiều, chỉ nhìn một hướng trong thời gian dài, ngủ trên ghế hoặc gục lên bàn... là những thói quen xấu khiến chị em dễ bị thoái hóa đốt sống cổ.

    Làm công việc văn phòng, công việc của Xuân (27 tuổi, Hà Nội) thường xuyên phải ngồi trước máy tính, mỗi ngày 8-10 tiếng/ngày. Nhiều khi cô không có thời gian nghỉ giải lao, vận động. Hâu quả là sau một thời gian cô thường thấy mỏi cổ, vai và cánh tay. Những lúc như thế để giảm khó chịu, cô lại vặn cổ, xoay người thật mạnh, kêu răng rắc. 

    Đến lúc đau không chịu được, cô mới đi khám. Kết quả thăm khám chụp chiếu cho thấy cô bị thoái hóa đốt sống cổ. "Nói thật là thấy đau mỏi người thì mình nghĩ là do làm việc quá mệt thôi, chứ ai nghĩ là bị thoái hóa đốt sống cổ. Đấy là bệnh ở người già, khi xương khớp đã bắt đầu lão hóa, không ngờ tầm tuổi mình đã mắc", Xuân buồn bã nói. 

    Bác sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) cho biết, trước đây thoái hóa đốt sống cổ là bệnh hay gặp ở người 40-50 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt ở nữ.Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trung bình một ngày có khoảng 900 người đến khám và điều trị thì có đến 70-80% là các bệnh lý liên quan đến cột sống cổ và thắt lưng. Thói quen sống thay đổi khiến bệnh lý này ngày càng trở nên phổ biến. 

    Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh chính là thói quen ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài. Vị trí đặt tay trên bàn làm việc quá cao hoặc quá thấp. Vùng cổ và vùng gáy không được cử động thường xuyên hoặc chỉ giữ nguyên một tư thế. Ngoài ra, cũng có thể do gối ngủ không phù hợp, nhiều người không có thói quen chuyển mình khi ngủ, chỉ nằm 1-2 tư thế...

    Người bệnh thường có biểu hiện đau mỏi vùng cổ, sau lan xuống bả vai, cánh tay. Lúc đầu có thể chỉ thấy tê tê như kim châm, bệnh nặng hơn có thể đau nhói buốt từng cơn. Trường hợp nặng có thể có các biến chứng khác như: khó nuốt, thấy vướng ở cổ, vẹo cổ, thường xuyên bị choáng... Nếu thoái hóa ở đoạn C4 sẽ liên quan đến sự vận động của cơ hoành nên người bệnh có biểu hiện nấc, ngáp, chóng mặt.

    Bác sĩ Thanh khuyến cáo, người bị thoái hóa đốt sống cổ rất dễ có nguy cơ gãy, trợt khớp mỏm nha gây liệt tứ chi, thậm chí tử vong. Do đó, chị em cần tuyệt đối không vặn cổ, ấn cổ mạnh. Bệnh không thể khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị triệu chứng bằng thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc nặng hơn là phẫu thuật.

    Để phòng bệnh, chị em cần ngồi đúng tư thế: ngồi phải có cảm giác thoải mái, không lệch trái hay phải. Ghế ngồi phải có tựa lưng nhưng không được ngả quá, ... Chiều cao bàn làm việc nên ở 65-75cm, máy tính để xa mắt khoảng 50cm, không để tầm màn hình quá cao hoặc quá thấp hơn so với tầm mắt.

    Với những người thường xuyên ngồi một chỗ, làm việc với máy tính nên có thời gian nghỉ giải lao 5-10 phút sau 45 phút làm việc. Có thể xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ, vai, luyện tập các động tác vươn vai đơn giản hoặc tập thư giãn bằng cách trò chuyện với đồng nghiệp, không nhìn vào máy tính. 

    Khi còn trẻ, sức chịu đựng tốt thì không sao nhưng đến lúc có tuổi, khả năng chịu lực của xương kém, quá trình hủy xương tăng lên nên những biểu hiện đau sẽ càng nặng hơn. Vì thế, nếu cảm giác đau mỏi cổ không thuyên giảm, bạn nên đến các bệnh viện để kiểm tra.

    Nguồn: Phương Trang (vnexpress.net)

Tin bài liên quan